• contact@des.vn
  • 0966.81.81.83

LMS là gì?

LMS là chữ viết tắt của Learing Management System, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là Hệ thống quản lý học trực tuyến. Về bản chất đây là một phần mềm ứng dụng cho phép việc quản lý, vận hành hệ thống các tài liệu, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo và cung cấp các công nghệ giáo dục điện tử (hay còn gọi là giáo dục trực tuyến E-Learning) cho các khóa học hay chương trình đào tạo.
 
Learing Management System 2

Learing Management System là tổ hợp gồm 3 từ riêng lẻ: Learning, Management và System.

► 1. Ý nghĩa về Learning:
Các chủ thể trong hệ thống học trực tuyến tạo ra các khóa học hay chương trình đào tạo, và muốn phân phối các sản giáo dục này đến những người sử dụng.

► 2. Ý nghĩa về Management:
Việc tạo ra các khóa học hay thay đổi, xóa bỏ là điều cần thiết. Bên cạnh đó, với Management, người dùng có thể sắp xếp, phân loại hay đánh giá các khóa học. Một cách đích thực, Management có nghĩa là sự quản lý các khóa học trực tuyến.

► 3. Ý nghĩa về System:
Như thông tin bên trên, LMS về cơ bản vẫn là một chương trình máy tính và là tập hợp của những công nghệ số, nên nhìn chung đây là một hệ thống, và người ta dùng hệ thống này để quản lý các khóa học/ chương trình đào tạo.

Các thành tố cấu thành một LMS

Trên thế giới hiện tại có rất nhiều hệ thống LMS đến từ nhiều nhà cung cấp, nhưng cốt lõi, các hệ thống LMS này đều nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu tương tác của các chủ thể chính trong hệ thống học trực tuyến, đó là người cung cấp nội dung học trực tuyến, người sử dụng nội dung học trực tuyến và người điều hành, quản lý tương tác học trực tuyến.

Theo cấu trúc, một LMS được cấu thành từ 2 thành phần chính:

► Thành phần công nghệ nền gồm các chức năng cốt lõi như tạo, quản lý và cung cấp các khóa học, chứng thực người dùng, cung cấp các dữ liệu hay thực hiện các thông báo,…Thành phần này được quản lý và điều khiển bởi người lập trình, người quản lý hệ thống.

► Thành phần thứ hai liên quan đến giao diện người dùng chạy trên nền các trình duyệt web (tương tự như Gmail/ Facebook). Thành phần này được dùng bởi các chủ thể trong hệ thống học trực tuyến như người quản lý, giảng viên và học viên.

Theo chức năng, LMS là một tổ hợp gồm một số chức năng cốt lõi sau:

► Chức năng quản lý lưu trữ dữ liệu số:
Chức năng này cho phép các chủ thể trên hệ thống E-Learning có thể đăng tải các khóa học cũng như các tài liệu số liên quan hỗ trợ người học. Các dữ liệu số được đăng tải có hệ thống phân loại theo định dạng tập tin, dung lượng, theo thời gian đăng tải,…và được kiểm soát nội dung.

► Chức năng bảo mật:
Đây là chức năng rất quan trọng trong hệ thống LMS, nó bảo vệ hệ thống dữ liệu của các chủ thể một cách an toàn. Hơn thế nữa, các thông tin cá nhân liên quan các chủ thể hoặc các dữ liệu liên quan đến tài chính cũng được bảo vệ.

► Chức năng đáp ứng:
- Tương thích đa chủng loại thiết bị truy cập: Chức năng này hỗ trợ nhiều thiết bị công nghệ truy cập hệ thống LMS như máy tính bàn, laptop, thiết bị di động, hay máy tính bảng,…
- Băng thông đảm bảo lưu lượng người dùng truy cập vào hệ thống học trực tuyến.

► Chức năng đa chủ thể:
Tính năng này hỗ trợ một lớp học/ một chương trình đào tạo trực tuyến có sự tham gia tương tác cùng lúc bởi nhiều giáo viên và nhiều học viên, họ đến từ nhiều nơi trên toàn thế giới.

► Chức năng đa ngôn ngữ:
Một LMS dùng làm mục đích kinh doanh, vận hành trên môi trường Internet có thể tiếp cận một cá nhân bất kỳ tại một quốc gia nào đó trên thế giới. Cho nên, việc cho phép chuyển đổi các ngôn ngữ qua lại hoặc ít nhất là một ngôn ngữ quốc tế cần được tích hợp vào hệ thống LMS.

► Kiểm soát đăng ký:
Khả năng kiểm soát và tùy chỉnh quá trình đăng ký học trực tuyến.

► Lịch:
Chức năng này thiết lập lịch cho các chương trình học tập trực tuyến như lịch học, thời hạn khóa học, lịch thi,…

► Chức năng quản lý giao dịch:
Chức năng này cho phép hệ thống LMS kiểm soát được các giao dịch phát sinh khi tương tác với các khóa học trực tuyến của các chủ thể: giao dịch giữa học viên với người cung cấp dịch vụ E-Learning (học phí); Giao dịch giữa người cung cấp dịch vụ E-Learning với tác giả khóa học (thù lao giảng viên/ tiền phân chia lợi nhuận khóa học) hay các giao dịch tiền ký gửi học theo hình thức ví điện tử,…

► Chức năng quản lý tương tác, hỗ trợ:
- Tương tác giữa các học viên: Chức năng này cho phép các học viên có thể trao đổi thông tin, trao đổi tài liệu qua hệ thống chat, email hoặc SMS,…nhằm tương tác hỗ trợ học tập.
- Tương tác giữa học viên với tác giả: Chức năng cho phép giữa học viên và tác giả khóa học/ chương trình đào tạo có thể trao đổi thông tin hoặc đánh giá, nhận xét lẫn nhau.
- Tương tác giữa học viên, giảng viên với quản trị hệ thống: Chức năng cho phép 2 chủ thể là người cung cấp kiến thức khóa học và người nhận khóa học tương tác trao đổi với quản trị hệ thống. Các vấn đề tương tác liên quan như các quy định, chế độ,…

► Chức năng thi, kiểm tra:
Chức năng này cho phép các học viên tham gia kiểm tra năng lực học tập hoặc xếp loại sau khai trải qua quá trình học. Các hình thức thi và kiểm tra phổ biến trên hệ thống LMS như trắc nghiệm, nhiệm vụ tương tác thông qua game,…

► Chức năng theo dõi, kiểm soát:
Chức năng này cho phép người học hoặc chủ thể trung gian quản lý người học có thể kiểm soát tiến trình học tập cũng như năng lực người học qua từng giai đoạn.

Ai sử dụng LMS?

Trong bài viết “các chủ thể trong môi trường E-learning” Facework Solutions đã chia sẻ thông tin về 3 chủ thể chính trong một môi trường học trực tuyến. Trong phần trình bày về LMS, Facework Solutions sẽ phân tích thêm một số ví dụ về các chủ thể sử dụng LMS.

Cá nhân sử dụng LMS

Một cá nhân, có những kiến thức, kỹ năng về một hoặc nhiều chuyên môn nào đó, thông qua các công cụ chuyển đổi thành các khóa học/ chương trình đào tạo dạng số và dùng LMS như là một công cụ để phân phối các sản phẩm số này đến người sử dụng. Người sử dụng ở đây được hiểu như là người cần các kiến thức/ kỹ năng của người cung cấp. Thông qua LMS, 2 chủ thể này tương tác với nhau, một bên cung và một bên cầu. Hoạt động này có thể có phát sinh giao dịch là tiền (kinh doanh) hoặc không (phi lợi nhuận). Có thể lấy ví dụ như một giáo viên, có kiến thức và kỹ năng về đồ họa là xử lý ảnh bằng phần mềm Photoshop. Giáo viên này dùng các thiết bị hỗ trợ quay phim, ghi âm để biến các bài giảng của mình thành các video, thông qua một website căn bản có tính năng hỗ trợ về đăng ký thành viên, quản lý giao dịch hay hỗ trợ đăng tải video,… giảng viên này có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng của mình đến với người học.

Với hình thức này, hoạt động thương mại trực tuyến thông qua E-Learning ngày càng phổ biến. Và hình thức này cũng có thể được ví như mô hình C2C (Customer To Customer - Thương mại điện tử khách hàng tới khách hàng) trong các hoạt động thương mại điện tử khác.

Doanh nghiệp dùng LMS cho hoạt động kinh doanh

Nếu như các cá nhân sử dụng LMS cho hoạt động kinh doanh bán trực tiếp sản phẩm đào tạo của họ đến tay người tiêu dùng là người mua khóa học được định nghĩa như E-Learning C2C, thì đối với doanh nghiệp sử dụng LMS để quản lý các khóa học trực tuyến dùng cho mục đích kinh doanh có thể được định nghĩa là E-Learning B2C. Thực vậy, về bản chất, các doanh nghiệp có thể là trung tâm đào tạo ngoại ngữ, trung tâm đào tạo về đồ họa hoặc một công ty chuyên bán các khóa học trực tuyến. Các đơn vị này có thể tự sản xuất các khóa học học hoặc mua và phân phối lại các sản phẩm đào tạo dạng số đến người dùng. Rõ ràng về quy mô, hình thức này lớn hơn và đòi hỏi một hệ thống LMS phức tạp hơn nhiều so với LMS cho cá nhân.

Với LMS cho doanh nghiệp kinh doanh, hệ thống phức tạp hơn nhiều ở quy mô, sự quản lý các nhà cung cấp, các chế độ phân chia lợi nhuận khóa học hoặc phải xử lý nhiều hơn với việc lưu trữ nhiều dữ liệu cũng như việc truy xuất hàng loạt…

Ở các một số đơn vị trường học ứng dụng một phần E-Learning, học sinh/ sinh viên trả tiền cho hệ thống LMS thông qua học phí. Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận kinh doanh của nhà trường vì học phí phần lớn đến từ các chương trình được giảng dạy trên lớp. Tuy nhiên, hệ thống E-Learning ứng dụng tại trường học góp một phần rất lớn vào việc nâng cao tinh thần tự học của học sinh/ sinh viên, ngoài ra cũng góp phần giảm thiểu các chi phí về giảng dạy trong nhà trường.

Trên Thế giới, hoạt động E-Learning B2C rất phổ biến, và hàng năm cả 2 hệ thống LMS C2C và LMS B2C đem về cho các nhà cung cấp hàng tỷ đô la lợi nhuận.

Doanh nghiệp dùng LMS đào tạo nhân viên

Các trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện, ngân hàng,…hàng năm phải bỏ ra số tiền rất lớn cho hoạt động đào tạo cán bộ, nhân viên. Các vấn đề đào tạo chủ yếu liên quan đến quy trình, nghiệp vụ, các tiêu chuẩn vận hành,…của doanh nghiệp, cơ quan. Các chi phí sẽ phát sinh cho các hoạt động tổ chức lớp học, chi phí cho giảng viên, chi phí cho thời gian của việc hướng dẫn, học tập quy trình, nghiệp vụ, chi phí tổ chức thi, kiểm tra hoặc chấm điểm, đánh giá,…Việc vận dụng LMS một cách thông minh từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp giảm được một lượng chi phí khá lớn, qua đó có thể góp phần làm tăng lợi nhuận.

Doanh nghiệp dùng LMS hỗ trợ khách hàng

Các doanh nhiệp  từ lâu đã sử dụng công nghệ web xây dựng các kênh hỗ trợ khách hàng. Tuy không phải là một LMS đặc thù được dùng cho các đơn vị đào tạo lợi nhuận hoặc đào tạo nhân viên, nhưng LMS vẫn có một ý nghĩa to lớn đối với hệ thống chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp.

Theo xu hướng của thế giới hiện đại, thói quen con người dần càng thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Con người ngày càng thích xem, nhìn, nghe nhiều hơn là đọc. Qua đó, việc hỗ trợ thông qua các kênh hướng dẫn bằng video, hình ảnh, âm thanh ngày càng đem lại hiệu quả. Và đây cũng chính là lúc doanh nghiệp có thể sử dụng LMS như một hệ thống hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng sản phẩm/ dịch vụ.

Ưu điểm của LMS

Từ khi xuất hiện lần đầu được dùng để mô tả một phần hệ thống quản lý của hệ thống học tập PLATO K-12, LMS đã dần phát triển ngày càng đa dạng tương ứng với nhiều mô hình giáo dục khác nhau trên toàn thế giới. Cho dù phân hóa theo đặc thù của từng đơn vị áp dụng, song, hệ thống LMS nói chung vẫn luôn trên mình như là một bản chất các ưu điểm:

► 1. Dễ dàng thích nghi và tái sử dụng theo thời gian.
► 2. Có nhiều sự lựa chọn cho từng đối tượng tạo lập ra các chương trình giảng dạy như phương thức học tập, phương thức thanh toán, các hình thức tương tác, kiểm tra đánh giá,…
► 3. Có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm giáo dục của bên thứ 3 qua đó làm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
► 4. Các doanh nghiệp có thể tận dụng LMS như là một công cụ để nhân viên tự đánh giá, kiểm tra qua đó rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn. Và với LMS, doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí đào tạo vừa nhận được nhiều hơn các giá trị đến từ nhân viên.